Sử dụng tiếng Việt pha tiếng Anh là bình thường hay lạm dụng?

Sử dụng tiếng Việt pha tiếng Anh là bình thường hay lạm dụng?

Theo bạn, việc sử dụng tiếng Anh pha tiếng Việt như hiện tại thì là điều bình thường hay đang lạm dụng?

TỔ TIÊN “SẠC”, CON CHÁU “CHARGE”

Trong khi các bậc tiền nhân đã Việt hoá một cách rất mượt mà từ “charge” thành “sạc” và chỉ dùng nó trong những phạm vi đặc thù thì ngày nay con cháu họ đã và đang mang nguyên hình “charge” vào đời sống và dùng thoải mái trong những trường hợp chẳng hề cần thiết. Nếu ngày xưa, “sạc” chỉ dùng để nói đến cung cấp năng lượng điện cho thiết bị máy móc thì ngày nay, người ta vác chữ “charge” vào các công sở, ngân hàng để chỉ đủ mọi việc. Mà thà đó là cách làm hay hơn thì không nói, nhưng rõ ràng khi nghe “charge tiền”, ta sẽ bị phân vân giữa hai nghĩa: 1. Bổ sung tiền vào tài khoản. 2. Yêu cầu người khác trả tiền. Trong khi đó với hai trường hợp trên thì tiếng Việt đã có sẵn những cách diễn đạt rất đơn giản và dễ hiểu, với 1 là “nạp tiền” và với 2 là “tính tiền”!

Việc lạm dụng tiếng Anh đang ngày trở nên đáng báo động. Nó không còn đơn thuần chỉ là vì không có từ phù hợp để diễn đạt nên phải bất đắc dĩ dùng nữa, mà trở thành trào lưu, đến những từ rất đỗi bình thường cũng bị thay thế bằng ngôn ngữ ngoại lai. Trong các công sở, người ta không làm dự án mà làm project, không “đăng ký” mà “log”, cũng không “trình bày” mà phải “present” mới chịu! Tréo ngoe hơn là những nhân viên làm ở ban nội dung, những người đáng lẽ phải rất rành về từ ngữ thì họ lại giới thiệu rằng: “Em làm bên content” (!?).

Nhiều người biện minh rằng họ sử dụng tiếng Anh vì nhất thời không nhớ ra từ tiếng Việt cần dùng. Nhưng điều đó chỉ được chấp nhận ở một phạm vi nhất định thôi. Nếu họ nói không nhớ ra được cả những từ đơn giản như “nạp tiền” để phải dùng thành “charge tiền” thì chẳng khác nào họ tự nhận rằng vốn tiếng Việt của mình rất nghèo, thậm chí còn thua cả những em nhỏ hay sao? Rõ ràng việc không nhớ ra chỉ chiếm một phần rất nhỏ, còn nguyên nhân chính là sự dễ dài trong cách dùng từ. Một phần vì hùa theo trào lưu, phần khác vì thấy người khác nói nên nói theo cho hoà nhập, người ta đã vô tình để tiếng Anh dần ăn sâu bén rễ vào đời sống hàng ngày, đến mức làm bật gốc luôn những từ vốn giản dị thân quen trong tiếng Việt. Cứ đà này, việc dự đoán chỉ mấy mươi năm nữa thôi, người ta sẽ gọi “cái bàn” thành “cái table” cũng không có gì là quá đáng!

Một số người khác lại lý luận rằng, không chỉ riêng tiếng Việt mà bây giờ ngôn ngữ nào cũng vậy, đã là sinh ngữ thì phải chấp nhận sự giao thoa. Xin thưa rằng, đúng là các ngôn ngữ khác hiện nay cũng bắt đầu xen lẫn khá nhiều từ tiếng Anh, nhưng không phải nước nào cũng có cách dùng dễ dãi. Điển hình như ở Nhật, người ta dùng một số từ tiếng Anh vào những phạm vi đặc thù mà với tiếng Nhật thuần không thể hiện được sắc thái phù hợp. Ví như “hot” và “cold” chỉ dùng chuyên trong các chế độ lựa chọn, như đồ ăn nóng, thức uống lạnh… chứ không tràn lan ra đến thời tiết hay tính tình. Hoặc họ dùng từ “home sick” để diễn tả việc nhớ nhà vì từ gần nghĩa của tiếng Nhật gốc là “kyoushyu” (hương sầu) chỉ phù hợp dùng trong văn chương. Căn cứ vào đó, có thể tạm chấp nhận một số trường hợp như dùng “smartphone” thay cho điện thoại thông minh, internet thay cho “mạng lưới toàn cầu”…như chỉ trong một phạm vi rất hẹp mà thôi. Còn dùng xả láng, dễ dãi đến cả “hôn” thành “kiss”, ôm thành “hug”, “đôi lứa” thành “couple” thì quả là khó chấp nhận.

Thực ra tiếng Việt vốn rất giàu và phong phú. Nếu chúng ta biết cách tập thói quen thay hết những từ tiếng Anh có thể bằng tiếng Việt, không những vốn từ được duy trì mà nhìn xa hơn, sự trong sáng của ngôn ngữ nước nhà cũng được bảo vệ. Ngày xưa, người cùng một dân tộc gắn kết được với nhau, một phần không nhỏ cũng là nhờ ngôn ngữ. Nay nếu ngôn ngữ bị pha tạp, người Tây nhìn vào thấy ta cũng dùng giống họ chẳng khác gì, thì liệu một mai, thảm hoạ suy tàn có đến hay không? Câu trả lời chắc ai cũng biết.

Nguồn: Tiếng Việt giàu đẹp

July, 16 2020
Gửi bình luận của bạn: